Trước đây, chúng ta luôn cho rằng mọi thị phi, đúng sai trên thế gian này, tốt nhất là phải có được câu trả lời rõ ràng, sáng tỏ.

Còn giờ đây, chúng ta nhận ra rằng con người ai cũng có những "nỗi khổ riêng", có điều cần giấu, thân bất do kỉ, đừng dễ dàng bóc mẽ, vạch trần họ, đó chính là từ bi.

Phán xét thế giới bên ngoài với cái nhìn phê phán, chúng ta sẽ chỉ có thể thấy rằng thế gian này có rất nhiều lỗ hổng, nhiều vết sẹo.

Chỉ với lòng khoan dung, chúng ta mới có thể hiểu được những khó khăn của người khác và thêm phần đẹp đẽ cho bản chất con người.

Nhìn thấu một người, đừng vội vàng bóc trần

Từ trước tới nay, kẻ trong cuộc luôn là kẻ chủ quan, kẻ đứng ngoài mới là người khách quan. Mỗi người đều sẽ vô tình hay cố ý rơi vào những hiểu lầm nhất định, trở thành người trong cuộc chủ quan, coi một phần chân tướng là toàn bộ sự thật.
Bạn suy đoán cá nhân về một phần của hoàn cảnh nào đó bạn nhìn thấy và rồi "trả lại" nguyên nhân và kết quả của toàn bộ sự kiện cho tâm trí của bản thân. Để rồi hấp tấp, nóng vội vạch trần lời nói và hành vi của người khác mà không biết rằng thực ra, bản thân rất có thể chỉ là đang cắt câu lấy nghĩa, mọi thứ mà bạn cho là biết tất cả chân tướng, thực ra chỉ là góc nhỏ của một ngọn núi.

Hiểu lầm giữa người với người quả thực quá nhiều, chỉ vì phiến diện quá nặng, cố chấp chủ quan, thiếu đi sự khoan dung, tha thứ, thà tin vào "sự thực hư cấu" của bản thân, chứ không chịu buông bỏ thành kiến, thử đi tìm hiểu chân tướng ẩn chứa phía sau.

Lòng người phức tạp hơn tưởng tượng rất nhiều, không vội vàng chụp mũ phán xét chính là lòng tốt lớn nhất giữa người với người.

Có người nói, "khi bạn nhìn thấu một người mà không bóc trần họ, là khi bạn đã học được ý nghĩa của sự tha thứ, khoan dung; Ghét một người mà không lật tẩy họ, là khi đó bạn đã hiểu thế nào là tôn trọng một người."
Con người ai cũng có những thiếu xót, đừng vì sự không hoàn hảo của người khác mà quay sang xem thường họ, bởi có lẽ, chính bản thân bạn cũng có những thiếu xót như vậy. Khoan dung với người khác, là khoan dung với bản thân; tốt với người khác là tốt với chính mình.


Nhìn thấu là thông minh, không nói là trí tuệ

Lincoln từng nói: "Cách tốt nhất để tiêu diệt kẻ thù đó là biến anh ta thành bạn bè."

Rước kẻ thù ở khắp nơi rất dễ dàng, chỉ cần bạn lật tẩy tất cả những người, những việc mà bạn thấy không vừa mắt. Nhưng làm vậy sẽ chỉ để lại những vết thương, sự thù địch và ghen ghét không hồi kết.

Chỉ khi khoan dung, bạn có mới được sự nhẹ nhõm. Bởi dẫu sao thì, tâm nếu đã oán đã ghét thì đi đâu cũng là nơi không thuận mắt.

Thế gian có rất nhiều việc chúng ta không cách nào có thể cảm thấy đồng cảm được, nhưng có thể giữ lại một chút tôn trọng, đừng làm mọi thứ đến bước đường cùng, để rồi chuốc lại thù hận.

Làm người phải biết chừa cho người khác một lối đi, sau này biết đâu nếu có chạm mặt, cũng sẽ dễ dàng tươi cười hơn.

Có câu "Thủy thâm bất ngữ, nhân ổn bất ngôn." - Càng là nơi nước sâu không thấy đáy, càng không biết được độ nông sâu của nước; càng là người chín chắn trầm ổn, càng khoan dung, rộng lượng.

Có những người, có đủ thông minh, nhanh nhạy để nhìn thấu thói đời thế sự, nhưng lại không có trí tuệ biết giữ im lặng.

Nhìn thấu một người, không đáng để nể phục, bởi lẽ chỉ cần có đủ sự nhẫn nại, bạn luôn có thể nắm bắt được thiếu xót của người khác.

Nhìn thấu nhưng không nói toẹt hết ra, đó mới là trí tuệ, đôi khi, bạn cần phải biết khi nào nên giữ lại cho người khác một chút thể diện, một chút tự tôn cuối cùng.

Đôi khi, chỉ vì một chút chuyện không đáng mà lớn tiếng trách móc, sẽ chỉ để lại sự bất mãn; Lật tẩy tới cùng, không để lại chút riêng tư nào cho người khác, sẽ chỉ để lại sự căm hận, ghen ghét; Luôn canh cánh trong lòng với những sai lầm của người khác, sẽ chỉ để lại thành kiến.

Tâm độ lượng mới có thể khoan dung cho người khác, mắt rộng lượng mới có thể nhìn được xa hơn.

Đối mặt với thị phi, đúng sai, đừng "cắn" mãi không buông, "hồ đồ" một chút, để lại cho người khác một cơ hội "quay đầu", đó mới là trí tuệ, mới được nhiều người yêu thương.
  • Người, không có thiện ác tuyệt đối; việc, không có đúng sai tuyệt đối; không đi tới cực đoan vậy thì sẽ luôn có chỗ cho sự hòa giải.
  • Nhìn thấu lòng người, đừng vội nói toẹt ra cho cả thiên hạ biết; nhìn thấu thế sự, đừng vội đưa ra phán xét.
  • Luôn cho mình là đúng, là nhất, lấy đi thể diện, dồn người khác tới đường cùng sẽ chỉ rước thêm sự oán trách, ghen ghét vào thân.

Chi bằng, hãy để thời gian trả lời tất cả, để lòng mình luôn có thể thanh thản, nhẹ nhõm.

Theo: Báo Dân Sinh